Mặc dù hết sức bận rộn nhưng với nhu cầu của đông đảo thành viên iVANet -Mạng Tri thức Việt nam toàn cầu, ngày 1/12/2017, nhóm tổ chức chương trình Phát triển nhà nghiên cứu iVANet-RDP đã tổ chức rất thành công buổi tọa đàm bàn tròn thảo luận về chủ đề “Học tiến sĩ là học cái gì?”. Mời xem link youtube của buổi tọa đàm tại đây, bản tóm tắt nội dung bằng file word: iVANet-RDP-Seminar 2_Học tiến sĩ là học cái gì.
Với 124 người đăng kí tham gia, chương trình gửi link mời 100 người đăng kí đầu tiên tham dự buổi tọa đàm. Có tổng số hơn 70 lượt người tham dự chính thức. Buổi tọa đàm được dẫn dắt bởi Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, giảng viên, cán bộ quản lý học thuật chương trình đào tạo Tiến sĩ và Thạc sĩ nghiên cứu của Trường Đại học Công Nghệ Swinburne, Úc. Ba diễn giả tham gia tọa đàm gồm: 1. Giáo sư Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng Điều Hành Đại học Hoa Sen, Việt nam và Giáo sư Đại học Utah, Mỹ; 2. Phó Giáo sư Lý Trần, Khoa Giáo dục Đại học Deakin, Australia; và 3. Giảng viên chính Lê Minh Hòa, Giảng viên chính, Khoa Điện tử, Đại học Northumbria, Anh quốc.
Chủ đề của buổi thảo luận được đưa ra trong bối cảnh hiện thời ở Việt nam khi có vẻ như có một nghịch lý về thực trạng sử dụng người có bằng Tiến sĩ ở Việt nam. Trong khi các trường đại học và cơ quan nghiên cứu thiếu người có bằng Tiến sĩ thì các cơ quan quản lý nhà nước thì lại có tỉ lệ số người có bằng Tiến sĩ khá cao. Việt nam hiện có tổng sản lượng bài báo khoa học và bằng phát minh sáng chế thấp hơn nhiều so với các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á. Đào tạo Tiến sĩ ở Việt nam có chất lượng thấp, tụt hậu so với thế giới. Chính những thực trạng này đã làm suy giảm niềm tin của xã hội với những người có bằng Tiến sĩ. Do vậy đã có tranh cãi gay gắt về việc có cần đào tạo thêm Tiến sĩ cho Việt nam, đặc biệt về Đề án 12.000 tỷ đào tạo 9.000 tiến sĩ vừa được QH thông qua.
Là những giảng viên, những nhà nghiên cứu, đặc biệt nghiên cứu về chính sách quốc tế trong giáo dục và phát triển khoa học công nghệ trong các trường đại học, chúng tôi đồng tình với quan điểm cho rằng vẫn rất cần đào tạo Tiến sĩ cho Việt nam. Mặc dù con đường nghiên cứu rất gian truân, rất nhiều người Việt trong nước, đặc biệt là các bạn trẻ vẫn đang muốn dấn thân vào con đường học làm nghiên cứu. Để chuẩn bị cho buổi tọa đàm, 124 người đã trả lời khảo sát về nhu cầu học tập để trở thành nhà nghiên cứu. Họ đã trăn trở với các câu hỏi như: Ý nghĩa thực sự của việc học tiến sĩ là gì? Học Tiến sĩ được gì, mất gì? Có nên học Tiến sĩ trong nước? Cần chuẩn bị những kiến thức kĩ năng kế hoạch để chuẩn bị học Tiến sĩ và để học Tiến sĩ thành công? Làm thế nào để có thể có định hướng tốt và phát triển nghề nghiệp thành công sau Tiến sĩ.
Hiểu được bản chất của việc học tiến sĩ có thể giúp cho những người chuẩn bị học, đang học, hoặc đang có ý định học Tiến sĩ có thể lập kế hoạch học tập cá nhân hiệu quả nhất nhăm tăng khả năng cạnh tranh sau Tiến sĩ. Hiểu được bản chất của học Tiến sĩ cũng có thể giúp cho các nhà hoạch định chính sách, người tham gia quản lý, đào tạo, người có ý định tuyển dụng Tiến sĩ có thể ra chính sách hiệu quả hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho nghiên cứu sinh hoặc Tiến sĩ tương lai, hoặc biết rõ hơn liệu Tiến sĩ có thể làm được gì cho doanh nghiệp/tổ chức của mình. Buổi tọa đàm cũng nhằm góp phần cải thiện nhận thức của xã hội nói chung về tấm bằng Tiến sĩ ở Việt nam.
Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí chân tình và cởi mở. Trong phần một của chương trình, TS Nguyễn Thị Lan Hương đặt ra các câu hỏi xoay quanh bản chất của việc đào tạo Tiến sĩ. Có thể nói rằng các vị khách mời đã “dốc lòng dốc ruột” chia sẻ kinh nghiệm tích lũy trong mấy chục năm làm nghề. Những chia sẻ chân tình và hữu ích của các vị khách mời đã khiến cho các khán giả tham gia buổi tọa đàm đặt ra các câu hỏi vô cùng hữu ích góp phần làm sáng tỏ bản chất của việc học Tiến sĩ. Những thông điệp chính được truyền tải thông qua buổi tọa đàm là:
- Học Tiến sĩ là học cách làm nghiên cứu chuyên nghiệp. Ở cấp độ cao nhất, học Tiến sĩ cũng có thể coi là học để trở thành người người lãnh đạo trong một lĩnh vực chuyên môn nhỏ hẹp. Môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp có thể là các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước có bộ phận nghiên cứu và phát triển.
- Bản chất của việc làm nghiên cứu là tạo ra tri thức mới. Tri thức mới được công nhận thông qua việc xuất bản các bài báo khoa học, sách chuyên khảo, các bài trình bày ở hội thảo hoặc đăng kí bằng sáng chế.
- Khi đề xuất và thực hiện một đề tài nghiên cứu nói chung, đề tài luận án Tiến sĩ nói riêng, người nghiên cứu thường phải thuyết phục thành công hội đồng đánh giá ba vấn đề: Tại sao lại đề xuất đề tài này? Tri thức mới sẽ được tạo ra sau khi hoàn thành đề tài này là gì? Tại sao lại đề xuất đề tài này vào thời điểm hiện nay?
- Ở một số nước phát triển, chỉ có khoảng 30% các tân Tiến sĩ có biên chế chính thức trong các trường đại học; 70% những người có bằng Tiến sĩ làm việc ngoài các trường đại học hoặc các viện nghiên cứu. Môi trường làm việc sau Tiến sĩ ở Việt nam thường rất khác so với môi trường các tân Tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài. Do vậy trong quá trình học Tiến sĩ, bên cạnh việc hoàn thành một đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên sâu, nghiên cứu sinh cũng phải tìm cơ hội để nâng cao các kĩ năng mềm như kĩ năng lãnh đạo, kĩ năng giải quyết vấn đề nhằm thích ứng tốt với môi trường làm việc thực tế sau tiến sĩ.